Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Giúp bé không sợ khi đi học những ngày đầu

Ngày đầu đi học là sự kiện tạo nên sự thay đổi lớn về tâm lý của trẻ. Bố mẹ, thầy cô cần có sự hiểu biết để giúp bé vượt qua thời điểm này nhanh và tốt nhất.
Ngày đầu bé đi mẫu giáo, những thói quen, nếp sống, người thân và cách giao tiếp đều có sự xáo trộn. Đặc biệt, về tâm lý, những điều mới lạ này khiến trẻ có cảm giác không an toàn.
Theo các nhà tâm lý, trẻ càng bé nhu cầu an toàn của trẻ càng lớn. Thôn thường trẻ thấy môi trường ở nhà là an toàn nhất. Khi đến lớp, trẻ sẽ thấy mình không được an toàn do người lạ, môi trường lạ, đồ chơi lạ...
Nếu trẻ nào dạn có thể khóc vài hôm đến 2 tuần, nếu trẻ thích nghi kém có thể là lâu hơn. Để giúp bé qua giai đoạn này, ngoài tính cách của trẻ, cần có sự phối hợp giữa bố mẹ, nhà trường.
Sau đây là một số cách đơn giản: Có thể cho bé đến chơi, làm quen trước môi trường lớp học như các đồ chơi trong sân trường, lớp học, cô giáo... để vừa tạo cảm giác quen thuộc, an toàn cho trẻ vừa tạo hứng thú muốn đi học.
Trong trường hợp trẻ khóc nhiều, cảm giác lo lắng bộc lộ quá mức, nên cho trẻ đến học một vài tiếng hay nửa ngày rồi đưa về nhà. Ngày hôm sau kéo dài thời gian hơn ngày hôm trước một ít. Trước đây, nhiều giáo viên lẫn phụ huynh nghĩ rằng, nếu trẻ khóc cứ để trẻ ở lớp, một vài ngày trẻ sẽ quen.
Tuy nhiên, khoa học giáo dục mới khuyên các bậc bố mẹ nên kéo dài dần ngày học đầu tiên của bé, giúp bé thích nghi dần mà không bị cảm giác lo sợ, không tin tưởng và mong ngóng suốt cả ngày. Ngày đầu tiên đi học, nên cho trẻ đưa đồ chơi cá nhân từ gia đình đến trường vì đây là trò chơi quen thuộc.
Khi đi học về nên cho trẻ nán lại chơi các trò chơi trong trường, trò chuyện về ngày đi học của bé, nói về cô giáo... Đối với cô giáo cần thể hiện sự thân thiện, âu yếm hơn bất cứ thời điểm nào trong năm học. Tình cảm đó sẽ giúp trẻ thấy an tâm, dễ gần và nhanh chóng hòa nhập.
Giúp bé quen với "làm việc"
Đặc thù của cấp học tiểu học là học tập có nền nếp, kỷ luật, giờ giấc nghiêm chỉnh, học theo bài, thực hiện theo yêu cầu giáo viên... Khi bắt đầu vào học lớp 1, tâm lý trẻ có sự biến đổi: Trẻ tỏ ra lo lắng, sốt sắng, căng thẳng, tối khó ngủ, ngại giao tiếp...
Vì thế, bố mẹ, thầy cô và cộng đồng cần giúp bé vượt qua, tạo sự tự tin, hứng thú học tập. Các bậc bố mẹ nên mua các đồ dùng học tập và giới thiệu cho trẻ về chúng. Đồng thời nói cho trẻ biết vì sao phải đến trường tiểu học, phải học viết, học chữ.
Giới thiệu cho trẻ về các hoạt động mới của trường tiểu học, tiếp xúc với các anh chị lớp trên, giúp bé làm quen với môi trường này. Tạo cho trẻ thói quen có tính kỷ luật, biết tập trung và chú ý bằng cách giảng giải nhẹ nhàng cho trẻ bằng các việc làm. Ví dụ, tập cho trẻ ngồi vào bàn học đúng giờ, đúng quy cách, tất nhiên không cần thiết là học trước nội dung.
Cho trẻ làm quen với các trò chơi ngón tay, đố vui để bé làm quen về nền nếp, rèn luyện tư thế ngồi học, tác phong nhanh nhẹn. Giáo viên không được phàn nàn hay đánh trẻ vì việc học tập, thói quen của trẻ ở những ngày đầu tiên.
Chính những sự phàn nàn sẽ càng khiến trẻ lo lắng, không có hứng học tập nữa. Những ngày đầu cô cần phải âu yếm, nhẹ nhàng, tạo không khí thoải mái nhưng nghiêm túc trong học tập giúp bé nhanh chóng thích nghi.
TS Hồ Lam Hồng (Viện phó Viện Nghiên cứu Sư phạm, Đại học Sư phạm)